Đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ (viêm kết mạc) là tình trạng nhiễm trùng mắt thường gặp do vi khuẩn hoặc virus gây ra hoặc phản ứng dị ứng với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột (cấp tính), lúc đầu ở một mắt sau lây sang mắt kia. Đây là bệnh rất dễ mắc, dễ lây lan ra cộng đồng qua đường hô hấp hay tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch rỉ mắt của người bệnh.

Bệnh dễ lây lan…

Đau mắt đỏ là bệnh gặp phổ biến, xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường gia tăng khi thời tiết chuyển mùa. Đặc biệt là vào mùa hè thời tiết nắng nóng chuyển qua mưa, độ ẩm không khí tăng cao, môi trường nhiều khói bụi, điều kiện vệ sinh kém, sử dụng nguồn nước ô nhiễm... là điều kiện thuận lợi cho bệnh đau mắt đỏ phát triển và bùng phát thành dịch. Thời tiết nắng nóng khi giao mùa, cơ thể con người, nhất là những người nhạy cảm với thời tiết, dễ mệt mỏi, hệ thống miễn dịch hoạt động yếu nên virus tấn công dễ dàng hơn, trong đó có virus gây đau mắt đỏ. Bệnh dễ mắc, dễ lây lan và một người có thể bị đau mắt đỏ nhiều lần.

Trung gian truyền bệnh chính là nước mắt của bệnh nhân đau mắt đỏ do nước mắt này có chứa virus. Mầm bệnh lây qua những hạt tiết tố nhỏ li ti, khi bệnh nhân ho hoặc nhảy mũi và qua những vật dụng nhiễm nguồn bệnh (nắm tay cửa, điện thoại, khăn...) đồng thời qua nước bị nhiễm khuẩn (ví dụ như nước hồ bơi). Bệnh đau mắt đỏ rất dễ trở thành dịch và khả năng lây lan cao do tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua nhiều đường như hô hấp, nước bọt, qua tay, qua cầm nắm chạm vào những đồ vật, đồ dùng cá nhân của nguồn bệnh như khăn mặt, chậu rửa mặt hay lây qua thói quen hay dụi mắt, sờ vào mũi, vào miệng. Công sở, lớp học, nơi công cộng là những môi trường khiến bệnh lây lan rộng rãi.

Đau mắt đỏ Khi có hiện tượng đau mắt đỏ, cần đi khám để được hướng dẫn điều trị đúng.

Dấu hiệu đau mắt đỏ

Khi bị đau mắt đỏ người bệnh sẽ có cảm giác ban đầu là nóng rát mắt, đau, có cảm giác cộm mắt, nhìn mờ, mi mắt sưng nề, chảy nước mắt. Những dấu hiệu sớm có thể nhận biết là mắt cộm, đỏ, có dử (ghèn). Người bệnh thường đỏ một mắt trước, sau đó lan qua mắt thứ hai.

Thông thường ban đầu người bệnh chỉ là mắt cộm, đỏ, ngứa, chảy nước mắt, bệnh nhân vẫn nhìn thấy bình thường, thị lực không suy giảm. Nếu để nặng hơn, bệnh nhân có thể bị phù mắt đỏ, có màng trong mắt... việc điều trị sẽ phức tạp hơn.

Vì đau mắt đỏ có nguy cơ lây nhiễm cao trong vòng 2 tuần từ khi bị bệnh nên việc chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng.

Dùng thuốc thế nào?

Đa số trường hợp đau mắt đỏ sẽ tự hết sau 7 đến 14 ngày nhưng thông thường bệnh sẽ khỏi sau 1 tuần. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, điều trị đúng chỉ định có thể gây nhiều biến chứng như viêm giác mạc, dẫn tới suy giảm thị lực sau này.

Về điều trị, không có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì thế, việc chữa trị chỉ có tác dụng hỗ trợ giúp bệnh nhân nhanh khỏi, giảm bớt triệu chứng khó chịu, cộm rát, giảm tỷ lệ biến chứng...

Có thể dùng nước muối sinh lý 0,9% hay nước mắt nhân tạo để rửa trôi mầm bệnh, rửa trôi chất tiết và gỉ mắt, làm giảm cảm giác cộm rát, khó chịu. Nếu viêm kết mạc do vi khuẩn, dùng các thuốc rửa mắt như nước muối 0,9%, sau đó tra dung dịch kháng sinh và mỡ kháng sinh như tobramyxin, ofloxaxin… có thể uống thêm thuốc giảm phù nề như alphachoay... Nếu viêm kết mạc do virus thường dùng kháng sinh tra mắt để phòng bội nhiễm chứ kháng sinh không diệt được virus. Trong trường hợp viêm kết mạc có giả mạc phải bóc giả mạc trước khi tra thuốc để thuốc ngấm tốt hơn.

Tăng cường bổ sung chất dinh dưỡng, hoa quả, vitamin và khoáng chất tăng sức đề kháng để nhanh lành bệnh hơn.

Người bệnh cần uống nhiều nước, nghỉ ngơi, điều trị cách ly, dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc nhãn khoa. Nếu bệnh không thuyên giảm sau 5-7 ngày phải đến khám lại (tái khám).

Để tránh các tai biến do dùng thuốc, khi bị đau mắt đỏ cấp, người bệnh cần đi khám tại cơ sở y tế chuyên khoa mắt mà không được tự ý mua thuốc về tra, nhỏ, nhất là các thuốc chứa corticoid. Nếu dùng không đúng cách các loại thuốc này có thể gây nhiều tai biến như suy giảm thị lực, sẹo giác mạc, làm cho thời gian điều trị lâu hơn, thậm chí quá lạm dụng có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm, thậm chí mù loà...

Không dùng thuốc của người khác để tra, nhỏ cho mình; không tự đắp lá trầu, lá dâu vào mắt hoặc những thuốc dân gian như đắp ếch nhái, lá nha đam, xông lá trầu… vì có thể gây nhiễm trùng nặng thêm.

Làm sao phòng ngừa bệnh?

Để phòng bệnh, cần vệ sinh cá nhân thường xuyên, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn. Dùng riêng khăn, chậu rửa mặt khi bị bệnh để tránh lây lan sang người khác. Rửa mặt ít nhất 3 lần/ngày bằng nước sạch, khăn sạch, riêng. Giặt khăn bằng xà phòng, phơi khăn ngoài nắng.

Không dùng chung thuốc nhỏ mắt, ngay cả khi cả nhà cùng bị đau mắt đỏ cũng không dùng chung thuốc; tránh dụi tay vào mắt; hạn chế đến chỗ đông người đặc biệt là nguồn dịch; không đi bơi trong giai đoạn có dịch...

BS. Lê Xuân Bách

Chế độ ăn kiêng khi viêm cầu thận cấp

Xin bác sĩ giải thích về bệnh và hướng dẫn về chế độ ăn vì chỉ cần cho chút muối là lại phù tăng. Vậy phải ăn nhạt đến bao giờ?

Đào Thị Mai (daomai@gmail.com)

Viêm cầu thận cấp (VCTC) do nhiều nguyên nhân nhưng thường xuất hiện sau một đợt nhiễm khuẩn do liên cầu khuẩn không được điều trị đúng, do quá mẫn với một số thuốc, bệnh tự miễn lupus ban đỏ hệ thống, bệnh lí thận IgA… Giai đoạn đầu của viêm cầu thận cấp người bệnh có thể thấy đau vùng thắt lưng hai bên, rối loạn tiêu hóa, chán ăn, đau bụng, buồn nôn. Khi bệnh bước sang giai đoạn toàn phát thì xuất hiện phù, lúc đầu phù nhẹ ở mặt, sau đó phù toàn thân, phù trắng, mềm ấn lõm. Điều trị chủ yếu là nghỉ ngơi và có chế độ dinh dưỡng hợp lý (ăn nhẹ, ăn nhạt). Bệnh có thể khỏi nhanh trong vài tuần, cá biệt có thể có biến chứng phù phổi cấp và tăng huyết áp. Điều đáng lưu ý là phù trong viêm cầu thận cấp phụ thuộc chế độ ăn uống, ăn mặn thì phù tăng, ăn nhạt thì phù giảm. Vì vậy nên bỏ hẳn muối mà có thể cho 2 thìa cà phê nước mắm/ngày. Nếu anh nhà có tăng huyết áp thì càng phải hạn chế natri chặt chẽ. Nếu tiểu ít, vô niệu thì bỏ hẳn rau quả, đề phòng tăng kali máu, ngược lại không thiểu niệu, không vô niệu thì cho rau quả tự do, uống nước bằng lượng tiểu ra. Tóm lại, trường hợp của chồng bạn phải điều trị tích cực theo chỉ dẫn của bác sĩ. Ngoài việc dùng thuốc người bệnh thận cần ăn nhạt thì mới giảm được phù. Tuy nhiên, việc ăn nhạt sẽ làm người bệnh cảm thấy khó ăn và không ngon miệng nên rất cần sự động viên của người chăm sóc. Sau khi đã được điều trị khỏi thì anh nhà có thể ăn uống bình thường không phải kiêng muối nữa và theo định kỳ nên tái khám để kiểm tra các chức năng thận.

BS. Trần Kim Anh

Vì sao ruột thừa quặt ngược sau gan?

Xin hỏi vì sao như vậy?

Nguyễn Văn Tân (nguyentan@gmail.com)

Ở người bình thường ruột thừa nằm ở hố chậu phải cho nên khi ruột thừa bị viêm thường đau hố chậu bên phải, đau có thể xuất hiện từ vùng trên rốn sau đó lan dần xuống hố chậu phải, đau âm ỉ. Thường không đau dữ dội, có thể kèm theo hội chứng nhiễm khuẩn như: sốt nhẹ, môi khô, lưỡi bẩn, trừ vài trường hợp khó chẩn đoán do ruột thừa lạc chỗ, ruột thừa quặt ngược sau gan dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như cơn đau quặn thận… Điều cần lưu ý viêm ruột thừa là một cấp cứu ngoại khoa, nếu nghi ngờ tuyệt đối không được dùng thuốc giảm đau sẽ làm lu mờ triệu chứng, làm khó khăn trong chẩn đoán. Trong khi đó, ruột thừa diễn biến rất nhanh trong vòng 24-48 giờ có thể đã bị biến chứng hoại tử và vỡ. Trường hợp của bố bạn vì ruột thừa quặt ngược sau gan nên việc chẩn đoán nhầm với đau quặn thận có thể xảy ra. Hơn nữa, hai bệnh này xử trí cũng khác nhau. Cơn đau quặn thận có thể chỉ cần điều trị nội khoa nhưng viêm ruột thừa thì là một cấp cứu ngoại khoa càng mổ sớm càng tốt. Mặc dù ruột thừa rất nhỏ và cắt bỏ ruột thừa viêm không phải là một phẫu thuật lớn mà chỉ cần mổ nội soi nhưng nếu phát hiện muộn có thể gây biến chứng viêm phúc mạc do viêm ruột thừa hoại tử, vỡ sẽ nguy hiểm đến tính mạng người bệnh và quá trình phẫu thuật buộc phải mổ ổ bụng nên hồi phục sẽ phức tạp hơn nhiều.

BS. Nguyễn Văn Thịnh

Bệnh tim bẩm sinh và Eisenmenger

(Nguyễn Sỹ Hiển - Long An)

Biểu hiện của hội chứng Eisenmenger chính là biểu hiện của bệnh tim bẩm sinh gốc, các bệnh tim có luồng thông lớn giữa tim phải và trái.

Hội chứng Eisenmenger được đặt ra khi bệnh nhân có triệu chứng của tăng áp lực động mạch phổi (khó thở nhanh nông, mệt mỏi, giảm khả năng gắng sức, ngất…), triệu chứng suy tim (khó thở khi gắng sức hoặc nằm, kịch phát về đêm, phù, bụng báng, ăn uống kém…), tình trạng đa hồng cầu, dễ chảy máu, các biến chứng sỏi thận, sỏi mật, võng mạch, đau xương khớp… tình trạng thiếu oxy lâu ngày sẽ tạo ra triệu chứng ngón tai dùi trống đặc trưng (gặp trong các bệnh tim bẩm sinh tím).

Khi khám bệnh, bác sĩ chuyên khoa sẽ phát hiện nhiều dấu hiệu tổn thương tim mạch và triệu chứng hô hấp, sẽ xác định chính xác tổn thương ở tim bằng các thăm dò huyết động, siêu âm tim, chụp cộng hưởng từ (MRI)…

Để điều trị triệt để phải dùng phẫu thuật nhằm sửa chữa các tổn thương tạo luồng thông ở tim nếu không có chống chỉ định. Phẫu thuật sửa chữa được thực hiện càng sớm càng tốt khi điều kiện bệnh nhân cho phép. Trong trường hợp không thể chỉnh sửa các tổn thương thì có thể thực hiện việc ghép tim phổi (nhờ tiến bộ trong ức chế thải trừ mảnh ghép mà tỉ lệ thành công ngày càng cao). Bên cạnh đó là phải điều trị triệu chứng để giữ lại thăng bằng cho người bệnh.

Khi vào viện, bệnh nhân được ưu tiên điều trị ở chuyên khoa tim mạch và được theo dõi nghiêm ngặt. Sau khi xuất viện phải theo dõi tái khám trong 2 tuần đầu và sau đó mỗi 3 tháng cần đánh giá lại ở chuyên gia tim mạch.

Những bệnh nhân nữ có nguy cơ có hội chứng Eisenmenger thì không được có thai, thai kỳ làm cho bệnh nặng hơn và nguy hiểm nhất là lúc chuyển dạ, thai nhi cũng sẽ gặp nguy hiểm.

Những người bị hội chứng Eisenmenger khi đi máy bay sẽ có thể có nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch sâu (đặc biệt là ở những người có khuynh hướng đông máu), thiếu oxy khi ở áp suất cao (có thể gây cơn thiếu máu não thoáng qua).

BS.CKII. ĐẶNG MINH TRÍ

Nước rửa tay khô không an toàn như bạn tưởng

Nó có thể làm sạch các virut gây cảm lạnh, viêm họng và cúm, nhưng hoàn toàn không có tác dụng với các loại norovirus như E. coli, C. Diff. Do vậy, các nhà nghiên cứu cảnh báo việc sử dụng quá mức nước rửa tay khô có thể làm giảm khả năng phòng vệ của da và góp phần gây ra tình trạng kháng kháng sinh...

Các nhà khoa học khuyến cáo, nếu dự một bữa tiệc thay vì dùng nước rửa tay khô, hãy vào phòng tắm rửa tay với xà phòng, vừa hiệu quả hơn lại ít độc hơn.

FDA đang xem xét các thành phần trong nước rửa tay khô và cho biết hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy loại nước này an toàn hơn so với xà phòng và nước trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng. Còn Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo, chỉ dùng nước rửa tay khô trong trường hợp không có nước và xà phòng.

Thu Minh

((Theo Reuter, 3/2018))

Đừng bỏ lỡ những cách đơn giản làm giảm đau răng nhanh chóng

Dùng thuốc giảm đau

Đối với bất kỳ loại đau răng nào, việc sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm như các thuốc kháng viêm không steroid có thể khiến bạn cảm nhận rõ ràng cơn đau đang biến mất. Tuy nhiên, đây chỉ được coi là giải pháp tình thế và bạn không nên trì hoãn việc đi khám bệnh bởi thuốc giảm đau có thể làm lu mờ triệu chứng nhưng lại khiến nguyên nhân gây bệnh nặng hơn mà chính bạn không nhận ra. Bên cạnh đó, thuốc giảm đau cũng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn đã được ghi nhận như tổn thương gan, đau dạ dày hoặc các vấn đề về da…

Sử dụng gel benzocain

Benzocaine là thuốc gây tê có cấu trúc ester. Thuốc hấp thụ chậm, có thể dùng trực tiếp lên viết thương, vết loét. Với dạng gel có thể sử dụng để làm tê liệt cơn đau trong miệng, đặc biệt là phần nướu giúp việc ăn uống dễ dàng hơn. Đây là loại thuốc khá an toàn khi bạn sử dụng đúng liều lượng ghi trong thông tin thuốc.

Nước muối ấm

Muối có tác dụng giúp ngăn ngừa sự hủy hoại các tế bào chống viêm trong cơ thể. Do vậy, bạn có thể cho một muỗng cà phê muối vào một cốc nước sôi và chờ đến khi nước ấm không thể gây bỏng. Ngậm một ngụm nước muối ấm trong 30 giây. Bạn có thể làm điều này nhiều lần trong ngày để làm sạch miệng và loại bỏ mảng bám trên nướu, là nguyên nhân gây sưng, đau răng.

Dùng đá lạnh

Bạn có thể dùng đá lạnh rồi đựng vào trong túi hoặc gói vào trong khăn sau đó áp vào vùng răng đau 10 phút một lần. Bạn cũng có thể sử dụng đá khô để chườm mát vì lạnh có tác dụng làm giảm sưng và tê cứng cơn đau.

Dầu đinh hương

Tiến sĩ Hadaegh, nha khoa tại Mỹ khuyến cáo trước khi thực hiện biện pháp này cần làm sạch răng và lợi bằng cách đánh răng hoặc rửa bằng nước ấm hoặc nước súc miệng. Tiếp theo đó, thấm 2-3 giọt dầu đinh hương vào một quả bông rồi cắn với răng bị tổn thương 15 phút. Đinh hương có chứa thuốc gây tê tự nhiên, hoặc thuốc giảm đau, được gọi là eugenol sẽ giúp bạn giảm đau cho đến khi nha sĩ tìm ra nguyên nhân và có biện pháp xử trí hợp lý.

Lê Thu Lương

(Theo menshealth.com)

Nữ bệnh nhân rong kinh kéo dài, đi khám bác sĩ phát hiện khối u 2kg ở ổ bụng

Các bác sĩ khoa Phụ (Bệnh viện đa khoa Đức Giang- Hà Nội) vừa phẫu thuật cắt tử cung hoàn toàn loại bỏ thành công khối u nặng hơn 2kg cho bệnh nhân Ngô Thị M (49 tuổi) tại Long Biên - Hà Nội với tình trạng thiếu máu nặng.

Khai thác bệnh sử, bệnh nhân M cho biết, khoảng một năm trở lại đây mỗi khi đến kỳ kinh thường bị rong kinh kéo dài kèm ra máu nhiều, trong người thường xuyên thấy mệt mỏi, da xanh xao nên ngày 26/3, bệnh nhân đã quyết định đi khám.

Ê kíp các bác sĩ tiến hành phẫu thuật lấy khối u cho nữ bệnh nhân M.

Tại phòng khám, bác sĩ khám và cho chỉ định siêu âm, chụp CT- Scanner và các xét nghiệm cần thiết. Kết quả siêu âm và chụp CT-Scanner cho thấy trong ổ bụng của bệnh nhân có khối u to với kích thước trên 20cm, nghi ngờ u xơ tử cung, hình ảnh khối u to vượt quá màn hình siêu âm kèm tình trạng thiếu máu nặng.

Ngay sau đó bệnh nhân được nhập viện. Tại đây các bác sĩ đã hội chẩn chuyên khoa và đưa ra kết luận “bệnh nhân có khối u to trong ổ bụng nghĩ nhiều đến u xơ tử cung có biến chứng gây rong kinh, băng huyết thiếu máu nặng và được chỉ định phẫu thuật cắt tử cung hoàn toàn để loại bỏ khối u”. Tuy nhiên, với tình trạng thiếu máu nặng do rong kinh kéo dài, trước khi cắt bỏ khối u bệnh nhân M đã được các y bác sĩ truyền 3 đơn vị khối hồng cầu, 1 đơn vị khối huyết tương để nâng cao thể trạng, đảm bảo an toàn trong quá trình phẫu thuật.

Sau khi được điều trị nâng cao thể trạng, sáng ngày 28/3 các bác sĩ khoa Phụ đã tiến hành phẫu thuật cắt tử cung hoàn toàn loại bỏ khối u to cho bệnh nhân M. Sau gần 2 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã loại bỏ toàn bộ khối u to nặng hơn 2kg của bệnh nhân M.

BS Phạm Thị Hải Yến – phụ trách khoa Phụ cho biết, với khối u to như vậy sẽ gây đau đớn cho bệnh nhân, do vậy để giảm sự lo lắng cho bệnh nhân, các bác sĩ khoa Phụ kết hợp với khoa Gây mê hồi sức của bệnh viện đã tiến hành giảm đau bằng phương pháp gây tê ngoài màng cứng, giúp giảm đau cho bệnh nhân những ngày đầu sau mổ.

Khối u có trọng lượng khoảng 2kg được lấy ra từ ổ bụng của bệnh nhân M.

Hiện tại sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và dự kiến sau phẫu thuật một tuần sẽ được ra viện.

Qua trường hợp này, BS Yến cũng khuyến cáo: Các chị em phụ nữ lớn tuổi, đặc biệt các chị em trong độ tuổi tiền mãn kinh nên đi khám phụ khoa định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý phụ khoa, sàng lọc sớm ung thư cổ tử cung và có phương án điều trị kịp thời tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Thái Bình

Người Việt đang nạp vào người lượng muối ăn cao gấp đôi so với khuyến cáo

Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo báo chí truyền thông vận động giảm ăn muối để phòng chống tăng huyết áp, tai biến mạch máu não và các bệnh không lây nhiễm khác do Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tổ chức sáng 27-3.

Theo TS. Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, ăn nhiều muối là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến mắc và tử vong do các bệnh tim mạch và một số bệnh không lây nhiễm khác. Ăn nhiều muối còn làm tăng nguy cơ gây suy thận, loãng xương và ung thư đường tiêu hóa, đặc biệt là ung thư dạ dày. Trong năm 2012, ước tính toàn quốc có tới 112.600 trường hợp chết chỉ riêng do tai biến mạch máu não (chiếm tới 21,7% tổng số tử vong) và 36.500 trường hợp chết do nhồi máu cơ tim (chiếm 7% số tử vong).

Cứ năm người trưởng thành thì có một người tăng huyết áp, cứ trong ba trường hợp tử vong thì có một trường hợp do các bệnh tim mạch, chủ yếu là tử vong do tai biến mạch máu não.

Theo một nghiên cứu thói quen sử dụng muối tại TP Hồ Chí Minh, hiện nay, 73% các hộ gia đình sử dụng mì ăn liền; 37% sử dụng đồ đóng hộp, 31% có ăn xúc xích và còn lại là các sản phẩm cháo ăn liền; các sản phẩm đóng gói ăn liền… Trong khi hàm lường muối trong một số thực phẩm bao gói sẵn có hàm lượng muối rất cao, gói mì ăn liền khoảng 5-7g muối/100g sản phẩm; 1,5-2,3 g muối/100g xúc xích.

TS. Trương Đình Bắc cho hay: Theo điều tra năm 2015, 89,2% người nấu ăn luôn cho muối, mắm, gia vị mặn khác vào thực phẩm khi chuẩn bị, chế biến và nấu ăn; 70% thường xuyên trộn, chấm mắm, muối, bột ngọt, nước tương, mì chính và các gia vị có muối khác với thức ăn trong khi ăn; 19,5% thường xuyên ăn thức ăn chế biến sẵn có nhiều muối như dưa, cà muối, mì ăn liền, lạc rang muối…

TS. Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: Ăn nhiều muối là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến mắc và tử vong do các bệnh tim mạch và một số bệnh không lây nhiễm khác.

TS. Jun Nakagawa, Phó trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh, hiện nay thế giới cũng đang sử dụng muối quá cao, trung bình khoảng 10g/ngày. 19 quốc gia đã giảm muối trong ít nhất một sản phẩm chủ yếu là bánh mì. 11 quốc gia báo cáo giảm muối trong thịt chế biến, cheese, các loại ngũ cốc ăn sáng, nước sốt và các bữa ăn làm sẵn.

“Việt Nam nên xây dựng khuyến nghị về lượng muối tối đa trong 100g thực phẩm, ưu tiên thực phẩm nhiều muối và phổ biến như mì ăn liền, xúc xích… Cần bắt buộc công bố sản phẩm của các công ty một cách tự nguyện. Việt Nam nên xây dựng môi trường hỗ trợ tại trường học, bếp ăn tập thể cũng như ban hành và thực thi quy định về dán nhãn, cảnh báo sức khỏe; cấm quảng cáo thực phẩm nhằm vào trẻ em” – TS. Jun Nakagawa bày tỏ ý kiến.

Ông Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng

Theo ông Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng: Hiện nay, Việt Nam còn thiếu hụt chính sách, kế hoạch liên quan đến can thiệp giảm muối. Ví dụ như chính sách dãn nhãn thực phẩm (công bố hàm lượng muối trong sản phẩm, cảnh báo thực phẩm nhiều muối, tại hại sức khỏe của ăn nhiều muối); quy định về hàm lượng muối tối đa có trong 100g thực phẩm đối với một số lại thực phẩm bao gói sẵn… Việt Nam cũng chưa có chính sách liên quan đến hạn chế quảng cáo, tiếp thị, kinh doanh các sản phẩm chứa nhiều muối; quy định về tổ chức bữa ăn học đường và cung cấp thực phẩm giảm muối cho học sinh…

Đến năm 2025, Việt Nam đặt ra mục tiêu sẽ có hơn 90% người trưởng thành biết tác hại do ăn nhiều muối; giảm mức tiêu thụ muối ăn trung bình của người trưởng thành xuống còn dưới 7g/người/ngày; hơn 70% số học sinh thực hiện ít nhất một biện pháp để giảm ăn muối theo khuyến cáo; hơn 90% số người được phát hiện mắc tăng huyết áp, bệnh tim mạch được tư vấn, hướng dẫn thực hiện chế độ ăn giảm muối.

Để thực hiện điều này, ông Trần Đắc Phu khuyến cáo, mỗi người hãy giảm một nửa lượng muối ăn vào hằng ngày để phòng chống tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, bệnh tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác. Hạn chế lựa chọn, sử dụng thực phẩm có nhiều muối và thay bằng thực phẩm tự nhiên.

Thanh Loan

Nga phát minh thành công ứng dụng khám sức khỏe qua “selfie”

Theo tác giả chính của MeCare kiêm nhà quản lý dự án, Sergei Blintsov, ứng dụng cũng có thể tích hợp với vòng tập thể hình hoặc đồng hồ thông minh để cung cấp cho chủ sở hữu hình ảnh rõ nét hơn về tình trạng thể chất của mình.

Ứng dụng hỗ trợ điện thoại thông minh được các kỹ sư công tác tại Viện Công nghệ Nizhny Novgord sẽ giúp người dùng iPhone chẩn đoán bệnh ở giai đoạn đầu

“MeCare đưa ra một phương pháp đặc biệt để chẩn đoán nhiều loại bệnh bao gồm chẩn đoán nhanh về Parkinson và xác định nguy cơ bệnh tim mạch bằng cách phân tích các bức hình selfie của một bệnh nhân”, ông Blintsov cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Thông tấn Sputnik.

Ông cho biết thêm một phân tích về hiệu quả thuật toán trong ứng dụng cho thấy tỷ lệ chẩn đoán chính xác đến 95%. Nhóm nghiên cứu MeCare thậm chí đang phát triển thuật toán mới hơn để mở rộng danh mục các bệnh mà công nghệ mới có thể chẩn đoán.

Ý tưởng phát triển MeCare xuất hiện sau khi nhóm tham gia vòng chung kết cuộc thi sáng tạo công nghệ quốc tế Icrosoft Image 2017 bằng một dự án khác.

“Y khoa và chăm sóc sức khỏe là lĩnh vực quan trọng đối với đời sống chúng ta và tôi tin chắc rằng nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục phát triển trong những thập niên tới. Tôi tin rằng đơn xin cấp bằng sáng chế đối với MeCare sẽ được miễn phí. Chúng tôi cũng có kế hoạch trả tiền tư vấn và chúng tôi đang phát triển hàng loạt thiết bị hồi phục sức khỏe dành cho khách hàng”, ông Sergei Blintsov cho biết.

Hoa Quỳnh

(Theo Sputnik News)

Những “thủ phạm” gây nên bệnh tự miễn

Những chứng bệnh rất phổ biến của thời đại hôm nay như các chứng bệnh của đường ruột, viêm màng nhầy tử cung, mệt mỏi kinh niên, chứng u xơ, đau cơ... hiện là dấu hiệu của một “gia đình bất hòa”. Tại các nước phương Tây, bệnh tự miễn chiếm tuần suất 1/5 và cũng thật là bất công, phụ nữ lại là nạn nhân chính.

Sự tự miễn (autoimmunity) xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể lại tấn công vào các mô của chính cơ thể đó. Cần nên biết rằng sự tự miễn hoàn toàn khác xa với sự dị ứng (allergy). Trong sự dị ứng, hệ miễn dịch của cơ thể tấn công vào những phần tử lạ xâm nhập vào cơ thể tỉ như phấn hoa, bụi bặm...

Sự tự miễn sẽ dẫn đến hậu quả là sự hủy diệt các mô, tế bào của chính cơ thể mà hệ miễn dịch đã tấn công vào và sẽ gây nên những chứng bệnh vô cùng nghiêm trọng. Sự tự miễn có thể tác động vào nhiều mô cùng một lúc như bệnh lupus hoặc chỉ tác động vào từng cơ quan riêng lẻ chẳng hạn như các bệnh của tuyến giáp. Bênh tự miễn có thể gây ra trên 80 tình trạng bệnh (conditions) khác nhau.

Bệnh tự miễn hiện là mộ chủ đề y học đươc nghiên cứu mạnh mẽ nhất hiện nay. Số người bị bệnh tự miễn ngày một gia tăng, nhất là chứng đa xơ cứng (multiple sclerosis). Chỉ trong vòng một thập kỷ, số bệnh nhân đa xơ cứng đã tăng gấp đôi.

Các nhà y học đã mạnh mẽ “tố cáo rằng chính môi trường sống hiện đại là thủ phạm “đâm bị thóc, thọc bị gạo”. Ngoài ra cũng cần phải kể đến các yếu tố di truyền. Bạn sẽ rất có khả năng bị “dính” bệnh tự miễn nếu như người thân của bạn đã từng “dính”. Tuy nhiên, không nhất thiết là có chung tình trạng bệnh, ví dụ như nếu người thân của bạn bị các bệnh về tuyến giáp thi bạn không nhất thiết bị các bệnh về tuyến giáp, thay vào đó, bạn sẽ bị lupus...

Y học hiện đại đã “chỉ mặt điểm tên” 5 thủ phạm đã nhúng tay vào quá trình tự miễn.

Những “thủ phạm” gây nên bệnh tự miễnBệnh tự miễn có thể gây ra trên 80 tình trạng bệnh khác nhau

1. Sự thiếu hụt vitamin D: vitamin D là một “biên tập viên” của hệ miễn dịch. Vitamin D sẽ hỗ trợ hệ miễn dịch chống lại ung thư. Ngăn ngừa sự nhóm họp của những “thành phần phản động” trong hệ miễn dịch. Vitamin D được cơ thể tổng hợp nhờ vào ánh sáng mặt trời. Những quốc gia ở vĩ độ cao như Canada và New Zealand có tần suất người mắc bệnh tự miễn cao nhất thế giới. Để chắc ăn rằng bạn không bị thiếu vitamin D, lượng vitamin D có trong máu khi đem xét nghiệm cần phải đạt ở con số 100 - 150 pg/ml.

2. Sự nhiễm trùng: sẽ làm ngòi nổ cho một số bệnh tự miễn chẳng hạn như: sốt thấp khớp, viêm cột sống... trong sự viêm nhiễm, các tế bào của chính cơ thể lại “na ná” như vi trùng. Vì vậy, hệ miễn dịch lại “khôn nhà, dạ chợ”. Thay vì đánh vi trùng, lại đi tiêu diệt “người nhà”.

3. Sự xáo trộn vi khuẩn đường ruột: có hàng tỉ tỉ vi khuẩn sống ở trong ruột có vai trò điều hòa hệ miễn dịch. Trong vài thập kỷ gần đây, màng nhầy ruột của chúng ta đang “la làng” vì sự sử dụng kháng sinh bừa bãi, sự sử dụng thuốc ngừa thai vô tội vạ. Phong trào làm ốm cũng là kẻ tòng phạm. Sự mất cân bằng của hệ vi sinh đường ruột cũng sẽ dẫn đến các chứng tự miễn và các rối lọan miễn dịch.

4. Hội chứng rò ruột: một khi hệ vi khuẩn đường ruột bị xáo trộn, sự tiêu hóa trở nên kém hiệu quả, màng nhầy ruột sẽ bị tổn hại. Hàng rào phân cách ruột và máu bị hóa giải. Các phần tử thức ăn sẽ thừa cơ hội từ ruột ngao du vào máu và tạo “gánh nặng” cho hệ miễn dịch từ đó hệ miễn dịch “nổi cáu” dẫn đến sự tự miễn.

5. Ô nhiễm môi trường: bệnh tự miễn, nhất là bệnh lupus, càng trở nên nghiêm trọng hơn khi môi trường sống bị ô nhiễm. Những “tội phạm môi trường” nổi danh nhất là thủy ngân, thuốc trừ sâu, thuốc nhuộm tóc, bao ni lông... Những hóa chất này gây tổn hại một cách trực tiếp lên hệ miễn dịch. Bệnh tự miễn bị gây ra trong trường hợp này là do các mô của cơ thể bị tổn hại và bị biến đổi đến nỗi hệ miễn dịch “nhìn không ra. Nơi đáng thương nhất chính là tuyến giáp, vì chúng phải hứng chịu độc chất môi trường nhiều nhất, từ đó gây nên những rối loạn về tuyến giáp. Hiện có “lai rai” khoảng 30.000 hóa chất độc hại đang được sử dụng và chưa bao giờ được thử nghiệm xem tác hại của chúng như thế nào nếu đem sử dụng lâu dài.

Vì sao bệnh tự miễn cũng “phân biệt giới tính”? Có đến 79% số bệnh nhân tự miễn là nữ giới. Một trong những nguyên nhân là do hệ miễn dịch của phụ nữ sẽ bị thay đổi trong thời gian mang thai. Trong thai kỳ, những tế bào phôi thai có thể di cư vào cơ thể mẹ và “bám trụ” ở đó hàng thập kỷ. Những tế bào di cư này giúp cơ thể người mẹ kháng lại một số bệnh tật, tuy nhiên, chúng cũng trở nên “nghịch tử”, làm cho cơ thể người mẹ trở nên mắc chứng tự miễn. Bên cạnh đó, phụ nữ cũng dễ bị rủi ro từ một hoóc-môn giới tính oestrogen. Oestrogen “kích động” sự tự miễn. Những loại thuốc oestrogen tổng hợp như thuốc tránh thay, liệu pháp thay thế hoóc-môn càng làm gia tăng khả năng tự miễn.

DS.NGUYỄN BÁ HUY CƯỜNG (Australia)

Thuốc lá điện tử làm tăng nguy cơ mắc bệnh nan y và bệnh tim

Các nhà khoa học đã cho những con chuột hút thuốc lá điện tử trong 12 tuần. Những con chuột này đã bị tổn thương DNA của bàng quang, tim và phổi. Như vậy, nicotin từ thuốc lá điện tử có thể trở thành chất gây bệnh nan y trong cơ thể người dùng.

Nghiên cứu này không hoàn toàn gây sốc khi các nhà nghiên cứu xác định các hóa chất độc hại khác nhau có trong thuốc lá điện tử. Tất cả đều cho thấy thuốc lá điện tử là có hại.

Cũng theo nghiên cứu, lượng chất nitrozoamin (gây bệnh nan y) được tìm thấy trong dịch cơ thể của người sử dụng thuốc lá điện tử thấp hơn so với người hút thuốc thường, nhưng rõ ràng là cao hơn đáng kể so với người không hút thuốc. Điều này cũng đặt người sử dụng thuốc lá điện tử đối diện nguy cơ mắc bệnh nan y ở mức tương tự như hút thuốc lá thông thường.

Lê Khuê

((Theo AFP))

Nên siêu âm mấy lần khi mang thai?

Ngô Liên(Tuyên Quang)

Khi mang thai, siêu âm cho nhiều giá trị chẩn đoán và giúp phát hiện những bất thường trong quá trình mang thai. Thông thường trong mỗi lần mang thai, tối thiểu cần có 3 lần siêu âm vào các khoảng sau: 10 - 12 tuần, 20 - 24 tuần và 30 - 32 tuần;

Lúc 10 - 12 tuần, thai nhi đã có đủ hình hài và các bộ phận, những bất thường lớn có thể nhìn thấy ở thời điểm này. Ở thời điểm này, việc đo khoảng mờ sau gáy có giá trị tiên lượng cho các bệnh lý tim mạch hay bất thường về nhiễm sắc thể (mà thường hay gặp nhất là bệnh Down);

Vào lúc 20 - 24 tuần là lúc lượng nước ối có nhiều, thai đã khá lớn và di động rất tốt trong buồng tử cung, giúp cho việc quan sát thai khá tốt ở nhiều góc độ khác nhau, nên dễ dàng phát hiện các bất thường về hình thể thai. Siêu âm giai đoạn này chủ yếu nhằm phát hiện các bất thường của thai.

Lần siêu âm thứ ba (30 - 32 tuần) nhằm đánh giá sự phát triển thai, đa số các trường hợp suy dinh dưỡng thường được phát hiện vào lúc này. Vị trí bánh nhau lúc này cũng sẽ được chẩn đoán chắc chắn hơn. Một số bất thường thai có thể xuất hiện hay phát triển muộn, sẽ được phát hiện tiếp vào lúc này.

Khi gần sinh cũng có thể có thêm một lần siêu âm để xác định kích thước thai, mức độ trưởng thành của bánh nhau và lượng nước ối. Ngoài ra, trong quá trình mang thai, nếu cháu thấy có gì bất thường có thể đi khám và siêu âm để bác sĩ phát hiện và xử trí những tình huống bất ngờ có thể xảy ra.

BS. Anh Tú

`Bóc` khối u tử cung `khủng` 7kg cứu bệnh nhân nguy cấp vì suy thận

Ngày 2/4, Bệnh viện K cho biết, các bác sĩ của Bệnh viện vừa phẫu thuật thành công cho nữ bệnh nhân 54 tuổi mang trong mình một khối u cổ tử cung khổng lồ nặng 7kg, chèn ép vào ổ bụng, gây suy thận, tắc ruột nếu không phẫu thuật kịp thời nguy cơ tử vong rất lớn.

Trước đó, bệnh nhân Nguyễn Thị P. (54 tuổi) trú tại Hải Phòng nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, đau hạ vị và bụng căng to.

Qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ Khoa Ngoại Phụ khoa cho biết, bệnh nhân có triệu chứng đau bụng kéo dài 6 tháng, nhưng do chủ quan nên không đi thăm khám sức khỏe định kì. Tuy nhiên 1 tháng trở lại đây, gia đình phát hiện bụng bệnh nhân ngày càng to ra kèm theo dấu hiệu mệt mỏi, ăn uống kém thấy đau tức bụng, chướng bụng nhiều hơn, sờ rõ khối u kích thước lớn nổi gồ, đẩy lệch hẳn về bên phải thành bụng, đại tiện khó khăn nên gia đình đưa bệnh nhân vào viện.

Hình ảnh phim X-Q khối u

Bệnh nhân được làm các xét nghiệm để chẩn đoán, chỉ điểm khối u, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng và hội chẩn toàn khoa. Kết quả chụp cắt lớp vi tính ổ bụng cho thấy vùng tiểu khung lệch trái có khối tỷ trọng kích thước 26x15x18 cm phát triển lên phía trên bên phải ổ bụng, đè đẩy các quai ruột, ngấm thuốc sau tiêm kèm theo vôi hóa và có dịch trong khối, kèm theo hạch nhỏ lân cận. Các bác sĩ chẩn đoán khối u lớn tiểu khung theo dõi u xơ tử cung kích thước lớn hoặc u quái buồng trứng phải.

Tiên lượng đây là một ca bệnh khó vì khối u rất lớn, chèn ép nhiều cơ quan, cộng thêm thách thức là bệnh nhân bị suy thận, nếu không phẫu thuật kịp thời, nguy cơ bệnh nhân tử vong rất cao. Không còn thời gian chờ đợi, các bác sĩ quyết tâm tiến hành phẫu thuật.

Các bác sĩ của Bệnh viện K phẫu thuật lấy khối u "khủng" cho bệnh nhân

Kíp mổ gồm các y bác sĩ khoa Ngoại phụ khoa là Ths.Bs Phạm Thị Diệu Hà, Phó trưởng khoa và BS Trương Văn Hợp cùng kíp gây mê đã tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u. Do khối u kích thước lớn làm biến đổi giải phẫu các cấu trúc trong tiểu khung như niệu quản, trực tràng, động mạch chậu 2 bên, mặt khác u lại giàu mạch máu nuôi dưỡng nên nguy cơ chảy máu rất cao nên gây nhiều khó khăn trong việc phẫu tích. Các bác sĩ đã thực hiện phẫu tích tỉ mỉ bóc tách và bảo tồn được các cấu trúc quan trọng trong cuộc mổ.

Khối u chèn ép lớn các cơ quan trong ổ bụng bệnh nhân P. được lấy ra sau ca phãu thật kéo dài 2h đồng hồ

Đúng như dự đoán trước mổ thân tử cung có nhiều khối u xơ kích thước đường kính khoảng 30cm, vùng cổ tử cung có khối u lan rộng vào trong dây chằng rộng kích thước 15x13 cm, dính sát mặt sau bàng quang và mặt trước trực tràng, làm biến đối cấu trúc giải phẫu tiểu khung, gây giãn và đẩy lệch niệu quản 2 bên. Khối lượng khối u lấy ra khỏi cơ thể là 7kg.

Sau mổ các bác sĩ chẩn đoán đa u xơ ở thân tử cung và dây chằng rộng kích thước lớn. Ca phẫu thuật đã diễn ra thành công, bệnh nhân dần ổn định.

Ths.Bs Phạm Thị Diệu Hà, Phó Trưởng khoa Ngoại phụ khoa - Bệnh viện K cho biết, nếu không được phẫu thuật kịp thời, sức khỏe bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Phụ nữ cần đi khám phụ khoa định kỳ để phát hiện sớm bệnh

BS Diệu Hà chia sẻ, u xơ cổ tử cung là bệnh có thể gặp ở bất cứ phụ nữ nào, thường là lành tính. Tuy nhiên nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, bệnh nhân vẫn có thể phải đối mặt với những nguy hiểm của u cổ tử cung khi vỡ vào trong ổ bụng, hay u to gây chèn ép các cơ quan, bộ phận bên trong. Do vậy, nếu phát hiện u cổ tử cung thì chị em phụ nữ cần phải đi khám ngay để được chỉ định điều trị hay phẫu thuật sớm để tránh biến chứng và xác định chính xác bản chất khối u là lành tính hay ung thư.

Việc chẩn đoán u cổ tử cung hiện nay không quá khó qua khám lâm sàng và sự trợ giúp của siêu âm, vì vậy chị em phụ nữ cần có ý thức tuân thủ việc thăm khám sức khỏe định kỳ, nhất là khi thấy các bất thường.

“Chị em phụ nữ nên đi khám phụ khoa và siêu âm ít nhất 1 lần/năm, nhất là phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ, nếu có những dấu hiệu bất thường ở ổ bụng (bụng dưới) như bụng to lên nhanh, đau bụng vùng hạ vị, rối loạn kinh nguyệt…, chị em phụ nữ cần đi khám ngay để loại trừ các u cổ tử cung, u nang buồng trứng… Bởi khi phát hiện sớm, các bác sĩ sẽ có tư vấn cần thiết và chỉ định can thiệp sớm cho bệnh nhân, tránh tình trạng để u quá to, ảnh hưởng tới sức khỏe mới đi thăm khám”- BS Diệu Hà khuyến cáo.

Thái Bình